Khai phá & Phát triển Du lịch đường sông ở Quảng Nam
Ngày 17/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Quảng Nam đã ban hành văn bản số 1281/QĐ-SVHTTDL về việc phát triển du lịch đường sông. Quangnamtravel đăng tải văn bản này để các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm có thể tìm hiểu và góp phần đầu tư vào tuyến tour đường thủy, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch đường sông bền vững và bảo tồn giá trị văn hóa đa dạng của vùng đất Quảng Nam.
Quảng Nam - Nổi tiếng với những con sông dài, đẹp, đang nỗ lực khai thác tiềm năng du lịch đường sông, một lĩnh vực có thể mang lại những trải nghiệm mới lạ và độc đáo cho du khách. Các dòng sông dài lượn quanh các danh lam thắng cảnh và làng nghề truyền thống của vùng, cung cấp một cơ hội lớn để kết nối các địa phương từ phía Nam ra phía Bắc và với thành phố Đà Nẵng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tham gia Hội thảo khoa học quốc gia về lịch sử dân tộc diễn ra gần đây, du lịch đường sông ở Quảng Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức đáng kể. Đánh giá cho thấy các sản phẩm du lịch hiện tại vẫn chưa thực sự hấp dẫn và thu hút đủ lượng du khách như mong đợi.
Để có thể tạo thêm sản phẩm du lịch tại điểm đến Quảng Nam, trước mắt hình thành các sản phẩm du lịch liên kết các điểm du lịch dọc theo sông Thu Bồn nối Duy Xuyên – Điện Bàn – Hội An nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề, văn hóa dân gian, đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kính đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai một số nội dung sau:
1. Nghiên cứu nội dung hợp tác liên kết du lịch 3 địa phương Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên, trong đó hình thành các tuyến du lịch đường sông trên sông Thu Bồn và các chi lưu, Rà soát các quy hoạch của địa phương về bến bãi để đưa vào đầu tư phục vụ vận chuyển khách du lịch, kết nối các điểm tham quan, du lịch, các làng nghề..., cần đầu tư nhiều hơn nữa vào hạ tầng du lịch, chỉnh trang cảnh quan hai bên bờ sông.
2. Liên kết, lồng ghép văn hóa với du lịch, để tạo được nét văn hóa đặc trưng của Quảng Nam, của địa phương, giúp đa dạng sản phẩm du lịch đường sông, đồng thời, cần quan tâm đến vai trò của doanh nghiệp, tạo cơ chế mở thông thoáng, đề xuất cơ chế quản lý mô hình phát triển du lịch đường sông, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư tour, tuyến để phát triển du lịch đường sông, đồng thời đầu tư tàu vận chuyển khách đảm bảo chất lượng, an toàn để du khách vừa ngắm cảnh vừa có thể nghỉ ngơi.
3. Trước mắt, phối hợp mời các doanh nghiệp có quan tâm, cùng với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các ngành, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát tuyến để từ đó xây dựng đề án/nội dung phát triển sản phẩm....
Với những nỗ lực này, Quảng Nam hy vọng sẽ nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch đường sông miền Trung Việt Nam, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đa dạng của vùng đất này.